Những điều cần chuẩn bị trước khi vào đại học

Học sinh, phụ huynh nên hiểu rõ sự khác biệt giữa học THPT và đại học, lựa chọn đúng ngành và tìm hiểu về ngôi trường mình sẽ gắn bó.

Tại hội thảo “Đại học cần chuẩn bị gì?” của Đại học RMIT Việt Nam diễn ra ngày 19/5, đại diện trường chia sẻ những điều cha mẹ có thể hỗ trợ con trong quá trình chuẩn bị trước khi vào đại học. Việc chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu kỹ ngành và trường, cách thức để hòa nhập vào môi trường mới… sẽ giúp con tránh được những “cú sốc văn hoá”, nhất là với du học sinh hoặc sinh viên trường quốc tế, môi trường giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Hiểu sự khác biệt giữa THPT và đại học

Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ học đại học giống chuyển tiếp từ cấp hai sang cấp ba, chỉ khác ở chỗ thay đổi thầy cô, môi trường. Thực tế, đại học có nhiều điểm phức tạp, thách thức hơn nhưsự khác biệt về hình thức kiểm tra, phương pháp học, tìm kiếm tài liệu, các mối quan hệ…

Nếu ở cấp 3, con trải qua các hình thứckiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, bài thi cuối kỳ, thỉnh thoảng có bài tập cá nhân, thì ở đại học, hình thức đánh giá kết quả học tập là thuyết trình, viết bài luận vài nghìn từ, làm việc nhóm, dự án thực tế.

Về phương pháp học, cấp ba thiên về học thuộc lòng, nhiều môn đáp án của giáo viên được xem là kim chỉ nam. Ở đại học, con sẽ phải đọc nhiều sách, tài liệu mở, biết cách áp dụng lý thuyết vào thực tế. Đặc biệt, môi trường đại học không có câu trả lời đúng sai, quan trọng là cách con đọc thông tin, hiểu vấn đề tận gốc, kỹ năng phản biện và thuyết trình để chứng minh giả thuyết của mình đúng.

Ngoài ra còn có sự khác biệt về lịch học. Cấp 3, học sinh thường có thời khoá biểu trước cả tuần, cả kỳ. Đại học thì khác, con sẽ tự sắp xếp thời gian, được tự chọn môn học cho cả kỳ. Thậm chí, tại đại học RMIT, con có thể tự xếp lịch học và được chọn giáo viên, khung giờ học phù học.

Kết quả một số nghiên cứu khoa học cũng như quan sát của Trung tâm hỗ trợ kỹ năng học thuật, Đại học RMIT về 6 tuần đầu tiên khi học sinh chuyển tiếp lên đại học cho thấy, nếu 6 tuần này suôn sẻ, cả hành trình của con sẽ thuận lợi hơn. Ngược lại, nếu các con có trúc trắc từ những tuần đầu tiên, những năm đại học sau đó sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với những bạn học trong môi trường quốc tế, du học nước ngoài.

Lựa chọn đúng ngành học

Để hạn chế sự bỡ ngỡ, biết chắc ngôi trường đó có phù hợp với năng lực, tính cách của con hay không, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu trước bằng cách liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo, hỏi các sinh viên khoá trước hoặc tham gia vào các hội thảo tư vấn của trường. Tại Đại học RMIT, hàng năm, trước khi nhập học, trường luôn tổ chức những sự kiện chia sẻ thông tin,dịch vụ hỗ trợ, tham quan trường và mở các lớp học thử để học sinh trải nghiệm.

Ngoài ra, tất cả sinh viên của trường sẽ được hỗ trợ trước, trong và sau khi tốt nghiệp. Trong quá học, các con sẽ được tư vấn với chuyên gia, học 1:1, học nhóm với sinh viên có thành tích học tập xuất sắc để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn và tiến bộ nhanh. Bên cạnh đó là 6 khoá học bổ trợ giúp sinh viên trang bị các kỹ năng thiết yếu như quản lý học tập, nhập môn viết luận, liêm chính trong học tập, phương pháp đọc tài liệu…

RMIT còn có trung tâm hướng nghiệp và việc làm, giúp sinh viên kết nối với các công ty, tập đoàn, hướng dẫn trước khi phỏng vấn xin việc phải chuẩn bị kỹ năng gì, tác phong, trang phục… như thế nào để tạo ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng. “Lựa chọn đúng ngành học đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị vào đại học, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đam mê, tương lai nghề nghiệp sau này”, tiến sĩ John Walsh, đại diện RMIT, cho hay. Ngoài ra, lựa chọn đúng ngay từ đầu còn giúp cả cha mẹ và con tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh bỏ ngang giữa chừng…

Tìm hiểu kỹ về trường học

Dương Tuấn Anh, cựu sinh viên trường RMIT chia sẻ câu chuyện chọn trường của mình. Dành gần 4 năm theo học chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại một đại học trong nước theo định hướng của bố mẹ, nhưng Tuấn Anh biết rõ mình thích công việc ngành sáng tạo, với thiên hướng nghệ thuật và tư duy logic. Cuối cùng Tuấn Anh đã thuyết phục bố mẹ để bắt đầu lại hành trình đại học với RMIT, chuyên ngành Truyền thông chuyên nghiệp. Vào trường đại học ở tuổi 24, bắt đầu muộn hơn các bạn nhưng nhờ lịch học linh hoạt của trường cùng sự tập trung cao độ của bản thân, Tuấn Anh tốt nghiệp đại học chỉ sau 2 năm và hiện là Trưởng bộ phận nội dung, công ty Garena Việt Nam.

“Tại RMIT, sự khác biệt và đặc biệt của mỗi sinh viên được trân trọng và phát huy. Bạn không cần phải giống ai cả. Chính môi trường học cởi mở như vậy đã nuôi dưỡng tự tin nội tại của mỗi cá nhân, điều này rất quan trọng khi đi làm”, Tuấn Anh chia sẻ.

Khác với Tuấn Anh, Nguyễn Thu Hà (biên tập viên Trung tâm tin tức VTV24) biết mình muốn gì ngay từ khi còn là cô học sinh trường chuyên Chu Văn An. Thu Hà cho biết, cô thích môi trường năng động, sáng tạo, đề cao sự khác biệt nên đã quyết tâm vào học tại RMIT. Vì bố mẹ đều làm nhà nước, điều kiện không dư dả, Thu Hà đặt mục tiêu ra trường trong thời gian sớm nhất. Kết quả, Hà nhận bằng tốt nghiệp sau 2,5 năm và trúng tuyển vào Đài truyền hình Việt Nam ngay khi mới ra trường.

Cũng tại buổi tọa đàm, chị Trần Thiên Hương, Trưởng đại diện CPA Australia tại Việt Nam và chị Quách Tường Vy – cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ những lý do lựa chọn đại học quốc tế cho cả hai đứa con của mình. Theo chị Hương, phụ huynh nên có sự chuẩn bị để các con sẵn sàng trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Việc cho con học tại một môi trường chuẩn quốc tế chính là bước đệm tạo điều kiện cho các em tiếp cận với môi trường quốc tế chuyên nghiệp. Ngoài ra, thông qua chương trình trao đổi tại hơn 150 đối tác toàn cầu, các em hoàn toàn có thể lên đường trải nghiệm việc du học khi các em cảm thấy đã đủ tự lập và sẵn sàng.

Theo chị Vy, một điểm rất cạnh tranh mà trường quốc tế như RMIT có đó là môi trường giáo dục coi trọng tính chủ động và phát triển con người toàn diện, giúp trang bị sự tự tin và chủ động cho sinh viên trước những thử thách trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, các con có thể tự bước đi vững vàng trên đôi chân của mình.