Kinh nghiệm khuyến khích học sinh đọc sách

Giáo viên tổ chức thi thuyết trình về sách, thưởng quà, khiến học sinh từ cảm giá khó chịu với sách chuyển sang hứng thú, đam mê.

Mỗi ngày trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP HCM) dành 20 phút cho học sinh đọc sách trước khi học các môn khác. Tuy nhiên, nhiều em trải qua khoảng thời gian ấy như cực hình, ngồi mong từng giây phút trôi qua để tham gia trò vui khác. Cô Nguyễn Thị Mỹ (giáo viên Văn) nói tại toạ đàm Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào, ngày 27/8.

Nhằm giúp các em thay đổi tư duy, cô Mỹ bắt đầu “chiến dịch” mỗi tuần một cuốn sách, yêu cầu mỗi em chia sẻ một cuốn sách trong một học kỳ. Học trò được chọn sách yêu thích, phù hợp lứa tuổi và tận dụng thời gian mỗi sáng ở trường để đọc trong một tháng. Tiếp đó, cô tổ chức cuộc thi thuyết trình vào mỗi sáng thứ hai trong giờ sinh hoạt lớp với nhiều hình thức.

“Lâu dần, những việc này trở thành hoạt động thường lệ, các em tự giác đọc và chia sẻ cùng nhau theo tuần. Đặc biệt trong 20 phút mỗi ngày, các em rất tập trung, thay vì cảm giác mong chờ tiếng chuông reo như trước đây”, cô nói.

Tiếp đó cô cho học sinh vẽ và dán một cây sồi thật to trên tường của lớp. Mỗi em sẽ được phát nhiều quả sồi làm bằng giấy, ai đọc được cuốn sách nào thì viết bất kỳ điều gì rồi treo lên cây. “Chỉ sau một học kỳ cây sồi của lớp đã trĩu quả. Kể cả những bạn trước kia ít đọc sách thì giờ cũng góp phần quả của mình vào cây sồi già kia”, cô giáo kể.

Khi tạo được thói quen cho học trò, cô Mỹ cùng đồng nghiệp xây dựng nhật ký đọc nhằm hướng dẫn các em đọc sách có hệ thống, khoa học hơn. Mỗi em trang bị cho mình một cuốn sổ ghi chép hằng ngày nội dung cơ bản của sách như tên, tác giả, tóm tắt nội dung, cảm nghĩ. “Không biết những cuốn sách có giúp trẻ thay đổi thế giới, thay đổi cuộc đời chúng như những câu danh ngôn không. Nhưng tôi tin việc đọc đã rèn luyện và giúp các em phần nào thay đổi thói quen của mình, hiểu hơn về nhiều số phận con người”, cô nói.

Còn cô Nguyễn Thu Hà (giáo viên Văn, trường THPT Võ Trường Toản) khuyến khích học trò đọc sách bằng lời hứa: “Đọc và tóm tắt được một cuốn, cô sẽ thưởng một ly thức uống tại quán nhà cô”. Học trò ban đầu đến quán chỉ muốn đọc sách nhận quà, lâu dần các em thích thú sách và chủ động mang sách hay đóng góp với cô. “Khi nghe các em nói ‘bây giờ tụi con đến không phải để được uống nước của quán cô nữa mà là để được đọc sách’ tôi rất vui”, cô nói.

Với trẻ nhỏ, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (giáo viên trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10) chia sẻ cách rèn thói quen đọc sách từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Cô kể hai năm trước, lớp 5 do cô chủ nhiệm có hai chị em sinh đôi, được cha mẹ cưng chiều nên mọi sinh hoạt, vui chơi đều phụ thuộc vào mẹ. Trong một lần làm bánh mang lên lớp cho học trò ăn, cô giáo đã chia sẻ cách làm món bánh ngon là nhờ đọc cuốn sách “50 cách làm các món ăn chơi đơn giản” trên kệ sách của lớp, rồi lấy cho hai em xem. Thích món bánh nên hai em xin mượn cuốn sách này về cho mẹ xem.

“Hôm sau, mẹ của hai em vào gặp tôi hớn hở khoe con mình thích quyển sách ấy lắm và đọc cho mẹ nghe rồi xin mua các vật liệu như trong sách để cùng làm bánh”, cô Hạnh kể. Dịp đó, cô đã trao đổi với phụ huynh về tính cách của hai em, cùng đưa ra cách giúp chúng thay đổi về giao tiếp, tư duy, tình cảm.

Cô giáo sau đó cho trò mượn những cuốn sách ở thư viện rồi cùng trao đổi với cô mỗi giờ ra chơi. Hai em đã có những trưởng thành rõ rệt, biết phụ mẹ việc nhà, hoà đồng với bạn bè hơn. Hai chị em đang học lớp 8, vừa đạt giải nhất và nhì cuộc thi Lớn lên cùng sách cấp quận.

PGS Hoàng Thị Tuyết chia sẻ nghiên cứu về mối quan hệ giữa đọc sách và phát triển nhân cách. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS Hoàng Thị Tuyết chia sẻ nghiên cứu về mối quan hệ giữa đọc sách và phát triển nhân cách.

Tại toạ đàm, nhiều giáo viên cho biết thói quen đọc sách đã mang lại những thay đổi rõ rệt cho học trò, từ kỹ năng sống, phẩm chất và năng lực hiểu biết. Thành tích học tập của các em tốt hơn do có sự tập trung, trí nhớ được nâng cao, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt phát triển.

Về tình cảm, các em biết giao tiếp, chia sẻ và đồng cảm hơn. Đọc sách cũng giúp học sinh giảm căng thẳng, hướng đến các giá trị sống tích cực.

PGS Hoàng Thị Tuyết (giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM) dẫn mục tiêu giáo dục tổng quát của chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng từ năm 2020 bao hàm 10 năng lực, 6 phẩm chất cho thấy cốt lõi “việc đọc chính là học, là tự học”. “Giúp học sinh xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng đọc để các em phát triển nhân cách tích cực là một trong những giải pháp có tính chiến lực thực hiện thành công mục tiêu giáo dục tổng quát”, bà Tuyết cho hay.

Bài viết trước đó Thông báo: Cho thuê phòng